Hiểu rõ điểm hòa vốn là gì sẽ giúp nhà quản lý lên kế hoạch bán hàng phù hợp

Điểm hòa vốn là gì? Công thức và ví dụ tính điểm hòa vốn

Chia sẻ kinh nghiệm
Spread the love

Trả lời được câu hỏi điểm hòa vốn là gì có thể giúp các nhà quản lý doanh nghiệp xác định kế hoạch kinh doanh cũng như giá bán sản phẩm phù hợp. Chi tiết hơn về khái niệm, ý nghĩa và công thức tính điểm hòa vốn, Vieclamkinhdoanh.vn sẽ bật mí tới bạn ngay trong bài viết thuộc chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm ngày hôm nay!

Điểm hòa vốn là gì?

Điểm hòa vốn là gì? Điểm hòa vốn là thuật ngữ dùng để chỉ một điểm mà tại đó, doanh thu sẽ bằng đúng với chi phí mà doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động kinh doanh. Hiểu một cách đơn giản hơn, ở điểm hòa vốn, công ty không bị lỗ nhưng cũng không thu lời. Trên thực tế, điểm hòa vốn có thể được phản ánh dựa trên đơn vị hiện vật hoặc giá trị.

Điểm hòa vốn là điểm cân bằng giữa doanh thu và chi phí đầu tư của doanh nghiệp
Điểm hòa vốn là điểm cân bằng giữa doanh thu và chi phí đầu tư của doanh nghiệp

Ý nghĩa của điểm hòa vốn

Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, điểm hòa vốn đều được xem là một vấn đề quan trọng. Thông thường, nhà quản lý sẽ không chỉ muốn nắm được lợi nhuận kỳ vọng cho các khoản chi phí đã bỏ ra. Bên cạnh đó, họ còn có nhu cầu biết về thời điểm sẽ nhận về nguồn tiền này. Ngay cả tại các tổ chức đã đi vào hoạt động trong thời gian dài, đây vẫn là một công cụ vô cùng hữu ích.

Dựa trên việc phân tích điểm hòa vốn, doanh nghiệp có thể xác định được chiến lược kinh doanh đúng đắn, giúp nâng cao năng suất hoạt động. Theo đó, một vài cách áp dụng điểm hòa vốn phổ biến có thể kể tới như:

  • Xác định doanh thu tối thiểu để bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất.
  • Xây dựng mục tiêu bán hàng và số lượng sản phẩm cần bán được để sinh lời.
  • Điều chỉnh mức giá bán hàng hóa phù hợp; cân nhắc tăng giá trong trường hợp thời gian hòa vốn đã kéo dài quá lâu.
  • Đưa ra chiến lược đầu tư và kinh doanh thích hợp theo thời điểm hòa vốn.

Ngoài ra, điểm hòa vốn cũng là một công cụ đắc lực để doanh nghiệp nắm bắt mức độ an toàn và rủi ro kinh doanh. Từ đây, nhà quản trị có thể thuận hơn đưa ra quyết định đẩy mạnh đầu tư hay đẩy mạnh bán hàng nhằm đạt được kết quả tối ưu nhất.

Sau cùng, điểm hòa vốn còn được xem như thước đo để các nhà đầu tư xây dựng chiến lược phù hợp. Khi xác định chính xác điểm hòa vốn, vấn đề quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền của họ sẽ không còn là vấn đề quá đáng lo ngại. Nhà đầu tư có thể hạn chế tình trạng thua lỗ, giảm thiểu tối đa số tiền thất thoát khi phải thu hồi vốn và có cơ hội đầu tư vào những dự án sở hữu khả năng sinh lời tốt hơn.

Điểm hòa vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp
Điểm hòa vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp

Các loại điểm hòa vốn phổ biến hiện nay

Ở thời điểm hiện tại, điểm hòa vốn đang được biết tới với 02 loại hình phổ biến, bao gồm:

Điểm hòa vốn trong lĩnh vực kinh doanh

Điểm hòa vốn trong lĩnh vực kinh doanh là điểm hòa vốn trước lãi vay. Tại điểm này, doanh thu của hoạt động kinh doanh sẽ bằng đúng chi phí sản xuất. Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế và lãi vay của doanh nghiệp cũng đều ở mức 0.

Điểm hòa vốn trong lĩnh vực tài chính

Điểm hòa vốn trong lĩnh vực tài chính là điểm hòa vốn sau lãi vay. Tại điểm này, tổng lợi nhuận doanh nghiệp thu về sẽ ngang bằng tổng chi phí đầu tư ban đầu cộng với lãi vay vốn cần phải trả. Không chỉ vậy, với điểm hòa vốn trong lĩnh vực tài chính, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cũng ở mức 0.

Điểm hòa vốn trong lĩnh vực tài chính là điểm hòa vốn sau lãi vay
Điểm hòa vốn trong lĩnh vực tài chính là điểm hòa vốn sau lãi vay

Công thức tính điểm hòa vốn là gì?

Để tính điểm hòa vốn, trước tiên, doanh nghiệp cần xác định được tổng chi phí cố định, chi phí biến đổi trên từng đơn vị sản phẩm/dịch vụ và giá bán mỗi mặt hàng. Tiếp theo, chúng ta có công thức tính điểm hòa vốn chung dưới đây:

Điểm hòa vốn = Tổng chi phí cố định : (Giá bán sản phẩm/dịch vụ – Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ)

Trong đó:

  • Tổng chi phí cố định là những khoản phí không bị thay đổi trong cả quá trình sản xuất và vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các loại chi phí cố định thường bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay, chi phí mặt bằng v.vv..
  • Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ là những khoản phí có thể bị thay đổi theo sản lượng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong quá trình kinh doanh. Các loại chi phí biến đổi thường bao gồm chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tham gia vào việc sản xuất v.vv..
Chi phí cố định và chi phí biến đổi là những yếu tố quan trọng để tìm điểm hòa vốn
Chi phí cố định và chi phí biến đổi là những yếu tố quan trọng để tìm điểm hòa vốn

Tuy nhiên, bên cạnh công thức chung tính điểm hòa vốn nói trên, các doanh nghiệp kinh doanh số lượng sản phẩm/dịch vụ khác nhau sẽ phải xác định vấn đề này qua những công thức riêng biệt. Cụ thể:

Công thức tính điểm hòa vốn khi doanh nghiệp chỉ kinh doanh 01 loại sản phẩm

Khi chỉ tập trung sản xuất và kinh doanh 01 loại sản phẩm/dịch vụ duy nhất, doanh nghiệp có thể xác định điểm hòa vốn theo cách tương tự công thức chung được đề cập ở phần trên:

Điểm hòa vốn = Tổng chi phí cố định : (Giá bán sản phẩm/dịch vụ – Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ)

Ví dụ: Doanh nghiệp A hiện đang kinh doanh duy nhất sản phẩm áo thun với giá bán 100.000 VNĐ/chiếc. Chi phí cố định mỗi năm đơn vị này cần trả là 500.000 VNĐ. Chi phí biến đổi trên mỗi sản phẩm áo thun là 50.000 VNĐ. Như vậy, điểm hòa vốn của doanh nghiệp A sẽ là:

Điểm hòa vốn = 500.000 VNĐ : (100.000 VNĐ – 50.000 VNĐ) = 10 sản phẩm

Doanh nghiệp chỉ kinh doanh 01 mặt hàng có công thức tính điểm hòa vốn riêng
Doanh nghiệp chỉ kinh doanh 01 mặt hàng có công thức tính điểm hòa vốn riêng

Công thức tính điểm hòa vốn khi doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại sản phẩm

Khác với doanh nghiệp chỉ kinh doanh duy nhất 01 mặt hàng, đối với những đơn vị đang bán cùng lúc nhiều loại sản phẩm/dịch vụ, việc tìm ra điểm hòa vốn cần được tính toán theo công thức như sau:

Điểm hòa vốn = Tổng chi phí cố định : [(Tỷ lệ phần trăm bán sản phẩm/dịch vụ A x (Giá bán sản phẩm/dịch vụ A – Chi phí biến đổi trên mỗi sản phẩm/dịch vụ A)) + (Tỷ lệ phần trăm bán sản phẩm/dịch vụ B x (Giá bán sản phẩm/dịch vụ B – Chi phí biến đổi trên mỗi sản phẩm/dịch vụ B))]

Ví dụ: Doanh nghiệp A hiện đang kinh doanh 02 sản phẩm áo thun và quần jeans với số liệu như sau:

Áo thunQuần jeans
Giá bán/sản phẩm100.000 VNĐ150.000 VNĐ
Chi phí biến đổi40.000 VNĐ50.000 VNĐ
Tỷ lệ phần trăm bán hàng60%40%

Giả sử, tổng chi phí cố định hằng tháng của doanh nghiệp A là 12.000.000 VNĐ.

Trước tiên, chúng ta sẽ phải tính lợi nhuận ròng cho mỗi sản phẩm. Lợi nhuận ròng có thể xác định bằng cách lấy giá bán trên mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ trừ đi chi phí biến đổi. Cụ thể:

Lợi nhuận ròng của sản phẩm áo thun = 100.000 VNĐ – 40.000 VNĐ = 60.000 VNĐ

Lợi nhuận ròng của sản phẩm quần jeans = 150.000 VNĐ – 50.000 VNĐ = 100.000 VNĐ

Sau khi đã có số liệu lợi nhuận ròng, chúng ta cần tính trọng số của lợi nhuận ròng cho mỗi sản phẩm dựa trên tỷ lệ phần trăm bán hàng như sau:

Trọng số lợi nhuận ròng của sản phẩm áo thun = 60% x 60.000 VNĐ = 36.000 VNĐ

Trọng số lợi nhuận ròng của sản phẩm quần jeans = 40% x 100.000 VNĐ = 40.000 VNĐ

Giờ đây, chúng ta đã có đủ dữ liệu để tính điểm hòa vốn. Áp dụng công thức phía trên, ta có:

Điểm hòa vốn = 12.000.000 VNĐ : (36.000 VNĐ + 40.000 VNĐ) = 158 sản phẩm

Từ đây, chúng ta có thể biết rằng để đạt điểm hòa vốn, doanh nghiệp cần bán được tổng cộng 158 sản phẩm bao gồm cả áo thun và quần jeans. Số lượng cụ thể của mỗi mặt hàng sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ bán dự kiến (60% sản phẩm áo thun và 40% sản phẩm quần jeans).

Đơn vị kinh doanh nhiều mặt hàng cùng lúc phải tuân thủ quy tắc tính điểm hòa vốn
Đơn vị kinh doanh nhiều mặt hàng cùng lúc phải tuân thủ quy tắc tính điểm hòa vốn

Xem thêm: 5 nguyên tắc sử dụng vốn kinh doanh hiệu quả cần phải biết.

Công thức tính điểm hòa vốn khi doanh nghiệp đầu tư chứng khoán

Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điểm hòa vốn còn là yếu tố không thể thiếu đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán, điểm hòa vốn được xác định bằng công thức dưới đây:

Điểm hòa vốn = (Vốn mua chứng khoán + Lãi vay) : Số cổ phiếu đầu tư

Ví dụ: Nhà đầu tư A bỏ ra số vốn 5.000.000 VNĐ để mua 100 mã cổ phiếu B với giá 50.000 VNĐ/cổ phiếu. Sau đó, A vay thêm 5.000.000 VNĐ nữa để mua tiếp 100 mã cổ phiếu B với lãi suất 2%. Vậy, điểm hòa vốn nhà đầu tư A cần đạt được khi bán cổ phiếu sẽ là:

Điểm hòa vốn = (5.000.000 VNĐ + 5.000.000 VNĐ x 2%) : 200 mã cổ phiếu = 50.500 VNĐ/cổ phiếu

Tính toán điểm hòa vốn trong chứng khoán là việc làm quan trọng của nhà đầu tư
Tính toán điểm hòa vốn trong chứng khoán là việc làm quan trọng của nhà đầu tư

Một số vấn đề cần lưu ý khi tính điểm hòa vốn

Bên cạnh việc tuân thủ các công thức, để đảm bảo việc tính toán điểm hòa vốn đạt kết quả chuẩn nhất, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Giá bán hàng hóa có thể có sự dao động tùy theo nhu cầu của thị trường cũng như lượng sản phẩm/dịch vụ được bán ra.
  • Chi phí cố định và chi phí biến đổi cần được xác định một cách chính xác để tính toán điểm hòa vốn đúng nhất.
  • Việc có hàng tồn kho là tình trạng không thể tránh khỏi. Do đó, doanh nghiệp không nên giả định số lượng hàng hóa sản xuất và bán ra thị trường sẽ tương đương nhau.
  • Khi doanh nghiệp kinh doanh cùng lúc quá nhiều mặt hàng, điểm hòa vốn dự tính sẽ không thể đạt độ chính xác cao. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nên quy đổi tất cả hàng hóa về một sản phẩm/dịch vụ chuẩn.
  • Nếu thị trường xảy ra tình trạng lạm phát, doanh nghiệp hãy tiến hành tính toán lại ngay điểm hòa vốn.
  • Điểm hòa vốn trong từng thời kỳ kinh doanh nên được thể hiện bằng đồ thị để doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi xu hướng kinh doanh của toàn thể tổ chức.
Doanh nghiệp cần tính lại điểm hòa vốn ngay khi thị trường có dấu hiệu lạm phát
Doanh nghiệp cần tính lại điểm hòa vốn ngay khi thị trường có dấu hiệu lạm phát

Tổng kết

Hy vọng rằng qua bài viết của Blog Kinh Doanh ngày hôm nay, bạn đã nắm được khái niệm điểm hòa vốn là gì cũng như bỏ túi được các công thức tính điểm hòa vốn chuẩn. Nhìn chung, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, bất cứ nhà quản lý doanh nghiệp nào cũng cần nắm được những kiến thức cơ bản về điểm hòa vốn để đảm bảo có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể và chính xác nhất!


Spread the love

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *